Trẻ nuốt kem đánh răng có sao không?
13/10/2020Vấn đề trẻ nuốt kem đánh răng là rất thường thấy, đặc biệt với bé mới tập đánh răng. Vậy bé nuốt kem đánh răng có ảnh hưởng đến sức khỏe không? Làm thế nào để hạn chế?
Giáo dục trẻ biết vệ sinh răng miệng là điều cần thiết mà bất kỳ bố mẹ nào cũng cần phải làm, điều này giúp trẻ hình thành được thói quen cũng như kỹ năng sống. Tuy nhiên, với trẻ mới tập đánh răng thì bố mẹ cần phải lưu ý bởi khả năng cao trẻ em nuốt kem đánh răng, lâu dần sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.
#1. Khi nào bố mẹ nên đánh răng cho bé?
Nhiều người nghĩ rằng khi nào con mọc hết răng sữa rồi thì mới cần đánh răng. Điều này là sai vì bạn có thể đánh răng cho bé từ những chiếc răng đầu tiên. Có bé sẽ mọc răng sớm khoảng 4-5 tháng, nhưng có bé sẽ muộn hơn khoảng 11-12 tháng. Đánh răng vừa ngăn ngừa sâu răng mà còn tạo cho con một thói quen tốt.
Bố mẹ cần dạy trẻ đánh răng từ sớm
Mẹ nên bắt đầu làm sạch răng cho con bằng khăn sạch cùng với nước muối loãng hay nước ấm rồi nhẹ nhàng lau sạch răng và nướu. Hoặc có thể dùng bàn chải ngón tay với đầu lông cực mềm mại.
Khi con được 1 tuổi trở đi thì hãy sắm cho con những chiếc bàn chải dành riêng. Khi lựa chọn bàn chải cần lấy loại có lông chải mềm mại, có mấu chắn để ngăn bé chải sâu vào trong miệng. Tuyệt đối không dùng bàn chải của người lớn cho trẻ.
Nhiều bố mẹ vì sợ trẻ nuốt phải kem đánh răng nên đến tầm 2-3 tuổi vẫn chỉ cho con xúc miệng bằng nước sạch và nước muối. Nhưng như vậy là không đủ để làm sạch răng miệng. Bố mẹ có thể bắt đầu dạy trẻ đánh răng với nước muối trước rồi sau khi trẻ đã quen thì chuyển sang kem đánh răng.
#2. Tác hại của việc trẻ em nuốt kem đánh răng
Trong thành phần của kem đánh răng ngoài các chất giúp bảo vệ răng thì nhà sản xuất còn thêm một chút vị ngọt và mùi hương vào kem, do đó trẻ sẽ nghĩ là kẹo nên nuốt vào bụng. Việc nuốt kem đánh răng thường xuyên sẽ gây ra một số vấn đề như:
Khiến trẻ bị nhiễm flour: Đây là chất giúp cứng men răng và ngăn ngừa sâu răng hiệu quả nhưng chúng cũng được coi là chất độc nếu dùng với liều lượng không đúng. Nếu bé nuốt kem đánh răng thường xuyên sẽ có nguy cơ bị nhiễm flour, biểu hiện là răng sẽ ngả màu, làm giảm độ chắc khỏe của xương, gây cản trở sự phát triển của trẻ.
Gây ngộ độc: Trong kem đánh răng có chứa chất tạo mùi, tạo bọt, chất bảo quản, những chất này không tốt cho sức khỏe của trẻ. Nếu thường xuyên nuốt phải sẽ khiến trẻ bị ngộ độc.
Nếu trẻ thường xuyên nuốt phải kem đánh răng sẽ có thể bị ngộ độc
Gây tổn hại cho hệ thần kinh: Các bác sĩ cho biết, nếu trẻ thường xuyên nuốt kem đánh răng sẽ khiến cơ thể trẻ bị nhiễm kẽm, việc cân bằng giữa các chất trong cơ thể dần phá vỡ dẫn tới rối loạn thần kinh.
Gây tiêu chảy: Một số chất trong kem đánh răng như Sorbitol, Florua khi xâm nhập vào cơ thể trẻ sẽ khiến trẻ có nguy cơ bị tiêu chảy và một số vấn đề về hệ tiêu hóa.
Có thể thấy thành phần trong kem đánh răng gây ảnh hưởng đến sức khỏe nếu trẻ nuốt thường xuyên. Để kiểm soát vấn đề này không hề dễ, đòi hỏi các bậc cha mẹ cần có kiến thức trong việc giáo dục trẻ, nói cho chúng hiểu về mức độ nghiêm trọng của việc nuốt kem đánh răng. Và nhớ phải chọn cho trẻ kem đánh răng phù hợp. Tuyệt đối không cho trẻ dùng chung kem đánh răng với người lớn.
#3. Cách xử lý khi trẻ nuốt kem đánh răng
Khi đã biết việc trẻ nuốt kem đánh răng ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe thì bạn cần phải biết cách xử lý sao cho đúng để bảo vệ trẻ được tốt nhất.
Những tác hại của việc nuốt kem đánh răng chỉ xảy ra khi trẻ nuốt quá nhiều lần mà bố mẹ không biết cách khắc phục. Chính vì thế khi trẻ tập đánh răng lần đầu mà vô ý nuốt phải thì bạn không cần quá lo lắng, 1-2 lần nuốt phải thì không đáng lo ngại. Nhưng nếu bạn lo lắng thì hãy cho bé uống nhiều nước để tăng quá trình bài tiết, hòa tan lượng kem đánh răng vừa nuốt và cho chúng ra ngoài.
Dạy trẻ súc miệng sau đánh răng sẽ hạn chế được tình trạng trẻ nuốt kem đánh răng
Để trẻ không lặp lại việc nuốt kem đánh răng vào những lần sau thì bố mẹ cần làm gương để bé biết lúc nào cần nhổ kem đánh răng ra ngoài sau khi đã chải răng xong. Hãy quan sát và tập nhuần nhuyễn cho trẻ cho đến khi trẻ tạo thành thói quen thì thôi.
#4. Lời khuyên của bác sĩ về việc vệ sinh răng miệng cho trẻ
Để không phải lo lắng việc trẻ nuốt kem đánh răng có ảnh hưởng đến sức khỏe không thì bố mẹ cần chú ý một số vấn đề sau:
+ Tập cho trẻ thao tác súc – nhổ nước trắng
Thao tác này cực kỳ quan trọng để giúp bé không nuốt kem đánh răng vào bụng. Nếu bạn định cho trẻ dùng kem đánh răng hãy chuẩn bị 1 chiếc bàn chải chuyên dụng và dạy trẻ cách chải răng, súc – nhổ nước mỗi ngày. Đây là một quá trình dài nên bố mẹ cần có sự kiên nhẫn.
+ Quan sát quá trình chải răng của bé
Luôn quan sát con khi chúng đang chải răng, sự chú ý của bố mẹ cũng là động lực để trẻ hoàn thành nhiệm vụ. Trẻ cần sự động viên và cổ vũ của bố mẹ, nhưng nếu trẻ làm không tốt cũng đừng mắng hay gây áp lực.
Cả nhà cùng nhau đánh răng sẽ giúp trẻ học nhanh hơn mà còn làm tăng mối liên kết giữa bé với bố mẹ.
+ Lựa chọn kem đánh răng nuốt được
Hãy chọn cho trẻ kem đánh răng phù hợp với lứa tuổi. Một vài dòng kem đánh răng trẻ em nổi tiếng bố mẹ có thể chọn mua như Pierrot, Pegion, Lion,….Tuy được quảng cáo là nuốt được nhưng bố mẹ vẫn cần tập cho trẻ thói quen nhỏ kem đánh răng.
Kem đánh răng nuốt được sẽ không gây ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ
+ Cho trẻ đi khám răng định kỳ
Đây là việc quan trọng để giúp bé có hàm răng chắc khỏe. Hãy đưa trẻ đến nha khoa nếu thấy có dấu hiệu không tốt.
Những thông tin liên quan đến việc trẻ nuốt kem đánh răng có ảnh hưởng đến sức khỏe không cũng như cách xử lý và một vài lời khuyên hi vọng sẽ giúp ích được cho các bậc cha mẹ trong việc chăm sóc răng miệng cho bé nhà mình.
Tin khác
- Những sản phẩm bắt buộc phải có khi chăm sóc răng niềng
- Hướng dẫn cách vệ sinh răng niềng cho hơi thở thơm mát
- Top 6 kem đánh răng được mọi người yêu thích hiện nay
- Nước súc miệng là gì? Tìm hiểu thông tin về nước súc miệng
- Khám phá những thông tin về bàn chải đánh răng
- Cách chọn bàn chải đánh răng cho bé an toàn, dễ sử dụng
- Người niềng răng nên dùng bàn chải nào?
- Mách bố mẹ cách chọn bàn chải đánh răng cho bé dưới 1 tuổi